• MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG NAM
  • MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG NAM
  • MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG NAM

Tin tức

KHÁM PHÁ BẤT NGỜ PHÂN LẬP ĐƯỢC CHẤT KHÁNG UNG THƯ, HIV TỪ VỎ CÂY MẮM ỔI
Bằng các phương pháp sắc ký kết hợp với các phương pháp phổ hiện đại, nhóm nghiên cứu Lê Thanh Phước và Lâm Thúy Phương, Trường đại học Cần Thơ đã phân lập và nhận dạng được 3 hợp chất triterpen từ cao petroleum ether của vỏ cây Mắm ổi là: taraxerol, taraxerone và betulin. Đây là lần đầu tiên 3 triterpenoid được phân lập từ bộ phận vỏ của cây Mắm ổi và những hợp chất này đều có hoạt tính sinh học cao.
 
Taraxerol là một triterpen có hoạt tính kháng vi sinh vật, chống viêm và chống khối u. Trong đó hoạt tính kháng khuẩn với các nồng độ ức chế nhỏ nhất, tương ứng với các loại vi khuẩn Staphylococcus aureus, Enterococcus faecalis, Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli. Ngoài ra nó có khả năng ức chế đáng kể sự tăng trưởng của dòng tế bào ung thư phổi ở người.
 
Taraxerone là một triterpen, hợp chất này đã được nghiên cứu in vitro cho thấy hoạt tính chống bệnh sốt đen do ký sinh trùng Leishmania donovani gây bệnh và hoạt tính chống khối u đối với dòng tế bào bạch cầu K562. Ngoài ra, taraxerone còn có hoạt tính chống lại thể hoạt động của ký sinh trùng Giardia lamblia cao hơn so với taraxerol và scopoletin.
 
Betulin là một triterpen có mặt trong nhiều loài thực vật thuộc các họ khác nhau. Betulin được ly trích từ cây Betula utilis chứa betulin lên đến 12% trọng lượng của nó. Do đó, betulin được dùng làm nguyên liệu ban đầu để chuyển hóa thành axit betulinic có hoạt tính sinh học cao. Ngoài ra, betulin còn thể hiện hoạt tính gây độc tế bào trên hai dòng HeLa và Hep-2 với cùng giá trị IC50 là 40 μg/mL. Betulin cũng thể hiện hoạt tính chống HIV với giá trị IC50 là 6,1 μg/mL. Các nghiên cứu của Miura còn cho thấy betulin có tác dụng bảo vệ gan và làm giảm khả năng gây độc của CdCl2 ở nồng độ thấp 0,1 μg/mL. Cơ chế có thể là do betulin thúc đẩy sự tổng hợp các protein có tác dụng bảo vệ các tế bào khỏi ảnh hưởng của CdCl2.
 
Được biết, cây Mắm ổi có tên khoa học là Avicennia marina, thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) . Cây được trồng hoặc mọc hoang ở vùng nước mặn hay nước lợ, gặp ở cả hai miền nước ta. Theo một số tài liệu về y học nhân gian trên thế giới, cây Mắm ổi là nguồn dược liệu có giá trị chữa bệnh. Vỏ cây của loài này đã được sử dụng trong y học cổ truyền ở Ai Cập để điều trị các bệnh về da, thấp khớp, bệnh đậu mùa, loét. Ngoài ra, những kết quả nghiên cứu về hoạt tính sinh học của cây Avicennia marina đã khẳng định hoạt tính chống sốt rét, độc tế bào, đặc biệt là hoạt tính gây độc tế bào ung thư và chống khối u cũng đã được ghi nhận. Mặc dù, ở nước ta cây Mắm ổi đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi với mục đích chữa bệnh nhưng chưa có nghiên cứu nào về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài cây này. Dó đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài: “Khảo sát thành phần hóa học của vỏ cây Mắm ổi (Avicennia marina)”. Họ đã phân lập và xác định được cấu trúc hóa học của các hợp chất taraxerol, tarexerone và betulin.

Chia sẻ qua